Phụ nữ cần có kế hoạch uống bổ sung các dưỡng chất trước khi chuẩn bị mang thai để mẹ và bé có một thai kì thật khỏe mạnh. Cùng Coolmom tìm hiểu các loại thuốc bổ cần thiết và lưu ý khi sử dụng nhé!
Chuẩn bị mang thai nên uống thuốc bổ gì để thai kỳ phát triển khỏe mạnh là điều cặp đôi nào cũng quan tâm. Bởi bất cứ cha mẹ nào cũng mong muốn những điều tốt nhất đến với con của mình. Ngay từ khi em bé chưa hình thành, mẹ đã có thể chuẩn bị tâm lý cũng như sức khỏe để giúp thai nhi khỏe mạnh trong và sau thai kỳ. Vậy, bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp vấn đề này vô cùng ngắn gọn, súc tích.
Uống thuốc bổ khi chuẩn bị mang thai có lợi như thế nào?
Việc uống thuốc bổ trước khi mang thai là cần thiết và được các bác sỹ khuyến nghị nên làm. Theo cơ chế sinh học, trứng cần ba tháng để trưởng thành trong buồng trứng sau đó sẽ chín và rụng. Nếu mẹ muốn phôi thai khỏe mạnh, trứng và tinh trùng đều phải đạt chất lượng tốt. Chính vì thế, bạn có thể bổ sung các loại thuốc bổ 3 tháng trước khi có thai.
Tuy nhiên, hầu hết phụ nữ khó có thể nhận biết mình có thai trong vài tuần đầu tiên. Trong khi đó, thời gian đầu mang thai là giai đoạn quan trọng để bổ sung dinh dưỡng vì hệ thần kinh cũng như các cơ quan sẽ được phân hóa. Thai nhi rất dễ bị tổn thương nếu mẹ không bổ sung đủ dưỡng chất. Vì lý do này, ngay khi có dự định mang thai thì bạn nên cân nhắc bổ sung dinh dưỡng.
Chuẩn bị mang thai nên bổ sung thuốc bổ gì?
Advertisement
1. Bổ sung sắt
WHO khuyến cáo cần bổ sung sắt cho phụ nữ mang thai càng sớm càng tốt. Tốt nhất là bạn nên tiến hành bổ sung đầy đủ ngay từ lúc dự tính mang thai với liều lượng 30-60mg mỗi ngày. Bạn có thể bổ sung một lượng nhất định qua chế độ ăn uống hàng ngày. Tuy nhiên, nếu mang thai thì nhu cầu sắt sẽ tăng mạnh. Vì vậy nếu không uống bổ sung mẹ rất dễ bị thiếu chất, từ đó dẫn đến thiếu máu.
Sắt là thành phần chính của hemoglobin trong tế bào hồng cầu. Nó có vai trò quan trọng trong quá trình vận chuyển oxy trong máu. Khi mang thai, thể tích máu của mẹ tăng đến 50% so với bình thường để đảm bảo mang đủ oxy đi nuôi cơ thể và có thể cung cấp dinh dưỡng cho bé. Nếu bị thiếu sắt mẹ bầu sẽ mệt mỏi, xanh xao, thai nhi thiếu dinh dưỡng nên chậm phát triển. Không những vậy, trong thời kỳ tam cá nguyệt đầu tiên nếu thiếu máu còn có thể gây sảy thai, thai chết lưu. Thiếu máu trong thai kỳ có thể dẫn tới dị tật thai, sinh non hoặc sinh con nhẹ cân và ảnh hưởng đến cả thể lực lẫn trí lực của trẻ sau này.
2. Chuẩn bị mang thai nên bổ sung canxi
Canxi đóng vai trò to lớn trong việc phát triển hệ xương và răng của bé. Thiếu canxi, sẽ dẫn tới tình trạng thai nhi chậm phát triển, bệnh còi xương bẩm sinh, chứng khò khè bẩm sinh, dị dạng xương… Đồng thời, cung cấp đủ canxi trước, trong và sau thai kỳ sẽ ngăn ngừa nguy cơ mất xương ở sản phụ. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới bệnh loãng xương khi về già. Khi thiếu canxi trong thai kỳ, mẹ sẽ có dễ bị tê chân, mệt mỏi, mất ngủ, đau lưng, đau vai, đau khớp.
3. Bổ sung thêm i-ốt
Dù là yếu tố vi lượng nhưng cơ thể chúng ta lại không thể tự tổng hợp i-ốt. Thiếu hoặc thừa i-ốt đều có tác động tiêu cực đến hệ thần kinh trung ương của thai nhi.
Nhu cầu i-ốt ở phụ nữ mang thai tăng 50% so với ngày thường. Theo khuyến cáo của Hiệp hội nghiên cứu Y khoa chính phủ Australia, lượng i-ốt lý tưởng mỗi mẹ bầu cần hấp thu là 220 mcg/ngày để tốt cho sức khỏe. Đối với phụ nữ chuẩn bị mang thai, nên bổ sung i-ốt qua các dạng thực phẩm. Ví dụ như cá biển, rau chân vịt, tảo bẹ… là rất cần thiết. Về liều lượng cụ thể, bạn nên thực hiện xét nghiệm nồng độ i-ốt, tham khảo ý kiến bác sĩ. Bởi thừa hay thiếu i-ốt đều dẫn tới hậu quả nghiêm trọng khi mang thai.
4. Omega-3 DHA/EPA tăng khả năng thụ thai
Hai axit béo Omega-3 DHA và EPA giúp tăng khả năng đậu thai, cung cấp dinh dưỡng cho quá trình làm tổ của hợp tử. Hơn nữa DHA/EPA cũng cần thiết cho sự phát triển não bộ, thị giác và hệ miễn dịch cho bé.
Một số lưu ý uống thuốc bổ khi chuẩn bị mang thai
Để đảm bảo có sự chuẩn bị tốt nhất, bạn nên lưu ý các vấn đề sau:
- Trước khi bổ sung thuốc bổ trước khi mang thai hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
- Uống đúng hướng dẫn và liều lượng, tuyệt đối không lạm dụng, tự ý tăng liều hoặc giảm liều.
- Lưu ý việc các vitamin, khoáng chất có thể làm giảm hấp thu của nhau. Cần sắp xếp thời gian uống hợp lý, tránh uống gần nhau.
- Cần có chế độ dinh dưỡng từ thực phẩm phù hợp với lượng thuốc bổ sung.
- Tin dùng thuốc có nguồn gốc rõ ràng, được bộ Y tế cấp phép và phân phối uy tín.
Việc tìm hiểu chuẩn bị mang thai nên uống thuốc bổ gì sẽ tạo nền móng sức khỏe vô cùng vững chắc cho mẹ và bé. Tuy nhiên, bạn nên tìm hiểu kỹ và tốt nhất là tham khảo ý kiến bác sĩ.